Liên minh HTX tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để kinh tế tập thể, HTX phát triển xứng với vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH và xây dựng nông thôn mới. Do đó, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, HTX bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh HTX trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển HTX, Tổ hợp tác.

Tại lớp tập huấn, các học viên được Ông Trần Văn Mân – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, giới thiệu về Luật HTX năm 2012; truyền đạt những nội dung cơ bản của các chuyên đề về đường lối, chủ trương, chính sách, luật pháp của Trung ương, của tỉnh liên quan đến kinh tế tập thể và các quy trình thành lập HTX… Triển khai Nghị định 77/2019/NĐ-CP về Tổ hợp tác; Giới thiệu mô hình HTX kiểu mới, nhất là mô hình HTX kiểu mới trong các lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và có sức lan tỏa trên đại bàn tỉnh.

(Ông Trần Văn Mân - PCT Liên minh hợp tác xã)

Bên cạnh đó, các học viên được truyền đạt thêm các kỹ thuật nuôi tôm QCCT kết hợp thủy sản. Tôm là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, là mặt hàng thủy sản chủ lực và xuất khẩu của Cà Mau. Tại đây, ông củng nêu rõ được một số đặc điểm bà con cần chú ý như: Môi trường nước có vai trò rất quan trọng đến sinh trưởng và phát triển của tôm sú, Cua, ghẹ.... Cà Mau với địa hình nhô ra ở biển Đông, đặc biệt là địa bàn huyện Năm Căn không bị hiện tượng ngọt hóa, làm thay đổi độ mặn của môi trường nuôi. Ao đầm nuôi tôm sú, cua… Cà Mau có độ mặn trung bình 23,34 ‰, độ pH trung bình 7,74, hoàn toàn phù hợp cho tôm, cua, ghẹ… sinh trưởng và phát triển, giúp tôm lột xác dễ dàng và nhanh cứng vỏ. Ngoài ra, động thực vật thủy sinh tại vùng nuôi thủy sản Năm Căn  có số lượng nhiều, đa dạng về loài: Số lượng cá thể động vật thủy sinh là 4.500 – 1.126.333 cá thể/m3; Số lượng cá thể thực vật thủy sinh là 1.138 – 9.833 cá thể/m3. Số lượng cá thể và chủng loại các động thực vật thủy sinh này lớn sẽ ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển cho tôm, cua.., bởi các loài động vật này là thức ăn cho chúng.

(Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm)

Qua lớp tập huấn, giúp cho các học viên nâng cao kiến thức, nắm vững quy định của Luật HTX 2012, các chính sách mới về hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, HTX và kỹ năng thực hành cụ thể trong quy trình nuôi tôm QCCT kết hợp thủy sản, hạn chế rủi ro dịch bệnh, nâng cao năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm và tăng chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là nâng cao được nhận thức về vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Theo: Trần Thị Lam