Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Cường – Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; ông Lê Văn Sử - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT tỉnh Cà Mau; ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban chỉ đạo; Ông Đỗ Văn Sơ - Ủy viên BTV Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo; các chuyên gia của viện, trường có nhiều kinh nghiệm trong phát triển KTTT và đại diện UBND, phòng Tài chính–Kế hoạch; Phòng Nông nghiệp & PTNT; Phòng Kinh tế TP Cà Mau; đại diện lãnh đạo UBND cấp xã và một số HTX trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.

(Quang cảnh Hội nghị)

Để tận dụng và khai thác tối đa lợi thế của tỉnh, nhất là đẩy mạnh việc tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cần phối hợp đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới, chúng ta còn phải quyết liệt sắp xếp lại ngành nông sản chủ lực một cách bài bản, hướng sản xuất theo chuỗi, gắn người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thị trường tiêu thụ; thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch, giống, môi trường, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi, thực hiện truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn chứng nhận… Hội thảo này, với mục đích tham vấn các ý kiến các chuyên gia trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời làm rõ các nội dung, nguyên tắc, vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, đơn vị trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh; đặc biệt đối với ngành hàng tôm và lúa.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe chia sẽ những kinh nghiệm phát triển HTX theo chuỗi giá trị từ Liên minh HTX Việt Nam, các chuyên gia, mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp; Vai trò của sàn giao dịch nông sản trong thúc đẩy chuỗi giá trị theo định hướng thị trường; tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh thương hiệu nông sản (Logo, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn chứng nhận,…) trong thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản; kinh nghiệm thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ngành tôm và giải pháp đề xuất hướng đến thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững...

(Ông Lâm Thái Tuyên – Tập đoàn thủy sản Minh Phú chia sẽ kinh nghiệm liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ngành tôm)

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia thảo luận, đề xuất một số kiến nghị như: Đối với các HTX sản xuất tôm (tôm nuôi công nghiệp): sàng lọc thành viên theo hướng diện tích đất đai sản xuất được tập trung, đặc biệt lưu ý nguyên tắc tự nguyện của thành viên khi tham gia HTX. Đối với các HTX sản xuất lúa: cần mở rộng quy mô để đáp ứng đơn hàng cung ứng cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc sử dụng smartphone để cập nhật thông tin. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trang bị kiến thức kinh tế, tiếp cận thị trường, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp độ tuổi và trình độ nhận thức. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tạo vùng nguyên liệu, tiến đến thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá. Thành lập Hội đồng liên kết chuỗi gồm các bên liên quan có… Tăng cường tìm kiếm doanh nghiệp, tăng quy mô vốn của HTX. Hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời cho sản xuất nông nghiệp (về thời tiết, thủy văn,..). Đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống điện sản xuất, hạ tầng công nghệ thông tin…).

(Ông Lê Văn Sử  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu)

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến phát biểu tại hội nghị; đồng thời nêu rõ việc thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh mới bắt đầu được triển khai. Theo đó, để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thành công, cần thực hiện tốt các yếu tố cấu thành nên chuỗi: về mối liên kết giữa doanh nghiệp và HTX: thực hiện thông qua hợp đồng; HTX thực hiện nghiêm túc các cam kết, trung thực trong báo cáo sản lượng, chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất; đảm bảo cam kết tham gia từ các thành viên HTX; Thực hiện tốt các tiêu chuẩn chứng nhận, tổ chức sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc... nhằm nâng cao giá trị và tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết việc bao tiêu lâu dài, thông tin đặt hàng (loại giống, sản lượng, chất lượng) phải kịp thời, trước mùa vụ. Về tư duy quản lý: cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn; đồng thời hướng dẫn áp dụng các hỗ trợ theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Theo: Như Thùy