Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TW, kinh thế tập thể của tỉnh có bước chuyển biến khá, nhiều loại hình kinh tế tập thể phát triển đa dạng trên các lĩnh vực. Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 190 hợp tác xã, tăng 1,5 lần so với năm 2003, với tổng vốn điều lệ gần 250 tỷ đồng; có trên 3.200 thành viên và tạo việc làm cho hơn 3.900 lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực đã có 171 hợp tác xã giải thể, riêng năm 2017 đã giải thể 125 hợp tác xã.

Cuối năm 2018, đã có 06 hợp tác xã tiếp nhận cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp cải thiện hình ảnh của hợp tác xã, có trụ sở làm việc và giao dịch ổn định hơn. Tỉnh hiện có 13 hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: ứng dụng công nghệ Sime – Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh 02 giai đoạn và áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong sản xuất dưa hấu.

Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn điều lệ; tình trạng sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản phẩm còn ít; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã phần đông còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tế. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước ban hành khá nhiều nhưng hợp tác xã khó tiếp cận, do không đủ điều kiện để được hưởng các chính sách.

 

(Ông Nguyễn Mạnh Cường - PCT Liên minh HTX Việt Nam phát biểu)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị: “Thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, nêu cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục quan tâm củng cố kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo đi vào thực chất hiệu quả. Thể chế hóa các cơ chế, chính sách bằng những văn bản cụ thể, đi sâu vào thực tiễn. Tập trung đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, làm tốt chính sách thu hút cán bộ trẻ về hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác xã. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu, nhân rộng cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả để các hợp tác xã nhân rộng và làm theo”.

(Ông Phạm Bạch Đằng - Phó BT TT Tỉnh ủy phát biểu)

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng chỉ đạo: “Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đã được Trung ương ban hành. Đồng thời, giao UBND tỉnh đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với đặc điểm tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh, nhằm khuyến khích hình thành hợp tác xã mới. Quan tâm tạo điều kiện cho các hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận vốn tín dụng. Hỗ trợ đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giúp các hợp tác xã tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, liên kết theo chuỗi giá trị góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”.

Theo: Trọng Thịnh