Đầu tiên, đoàn được tham quan học tập kinh nghiệm tại Hội quán tôm rừng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Tại đây, đoàn đã được ông Nguyễn Thanh Tín - Chủ nhiệm Hội quán Tôm rừng Rạch Gốc giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành và hoạt động từ khi thành lập cho đến nay, và cùng cán bộ kỹ thuật địa phương giới thiệu về quy trình ươm giống, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Sau thời gian hoạt động, năm 2021 Hội quán đã thành lập được 01 HTX Tôm rừng Rạch Gốc với 56 thành viên tham gia, vốn điều lệ 560 triệu đồng, ngành nghề hoạt động chính là nuôi tôm, cua dưới tán rừng; hoạt động kinh doanh giống thủy sản cua, tôm để cung ứng cho xã viên và người nuôi trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Tại buổi làm việc các thành viên trong đoàn đã tích cực trao đổi với tinh thần cầu thị và đã tiếp thu được rất nhiều cách làm hay, những kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ của đơn vị.
Tiếp theo, đoàn đến tham quan và làm việc tại mô hình nuôi nghêu của HTX nuôi nghêu Đất Mũi tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại đây, Đòan được ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết: “HTX nuôi nghêu Đất Mũi được thành lập năm 2017 với 65 thành viên qua một thời gian hoạt động, hợp tác xã đã đạt được những thành công nhất định, đến nay tuy một số thành viên vẫn còn khó khăn, nhưng không có trường hợp nào là hộ nghèo. Nhờ thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội nên thành viên ai cũng xem HTX là nhà của mình, từ đó ra sức gìn giữ và phát triển thành công mô hình nuôi nghêu trên vùng đất Mũi Cà Mau”.
Qua chuyến đi, ông La Hữu Nghị – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tây Ninh (Trưởng đoàn), đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Hội quán Tôm rừng Rạch Gốc và HTX nuôi nghêu Đất Mũi và đây là những bài học quý để Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh và các HTX Nông nghiệp của đoàn tham quan học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức mô hình sản xuất, giúp đoàn ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như các giải pháp, kinh nghiệm mà HTX tỉnh bạn thực hiện để khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, mỗi thành viên trong đoàn đã rút ra cho bản thân những bài học để áp dụng trong công tác hay sản xuất nông nghiệp của chính mình, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.
Theo: Tuyết Trinh