Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp _Ảnh: TTXVN
Vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân
Kinh tế tập thể (KTTT) là một trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định và nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1) và “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững...”(2).
Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là thành phần kinh tế quan trọng, với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội đối với đất nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 20-NQ/TW), đã củng cố quan điểm về vị trí, vai trò và đóng góp của KTTT: “Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân là tỷ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên... Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn” và “Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư”.
Như vậy, phát triển KTTT không chỉ có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Thực tế trải qua các giai đoạn xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, KTTT, nòng cốt là HTX đã có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh kinh tế hộ còn yếu thế trong thị trường, với quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ, cạnh tranh lẫn nhau, còn nhiều hạn chế về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, phương thức kinh doanh, thì HTX là tổ chức giúp khắc phục hạn chế, không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ, mà còn đóng vai trò chủ lực hỗ trợ, nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển, hiệu quả của HTX chính là hiệu quả của kinh tế hộ. Hợp tác xã còn là hình thức tổ chức có thể tiếp nhận sự trợ giúp hiệu quả của Nhà nước thông qua các chính sách về cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ và mở rộng thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Đóng gói sản phẩm cao thảo dược chất lượng cao tại Hợp tác xã Yên Trị tại tỉnh Hòa Bình _Ảnh: TTXVN
Thực trạng phát triển kinh tế tập thể
Kết quả phát triển
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, KTTT, nòng cốt là HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ:
Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của khu vực KTTT được nâng lên; thể chế, chính sách không ngừng được hoàn thiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ KTTT phát triển luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của HTX và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, từ đó tạo cơ sở để bố trí nguồn lực hỗ trợ HTX. Trong giai đoạn 2013 - 2022, có khoảng 2.600 HTX được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, máy móc với kinh phí từ nguồn Trung ương và địa phương (khoảng trên 2.800 tỷ đồng).
Khu vực KTTT, nòng cốt là HTX đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các HTX cơ bản chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, HTX được tăng cường, cùng nhau hợp sức, góp vốn, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên kết giữa các thành viên theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển; đồng thời, hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác được mở rộng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2023 đã có gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 20,7% tổng số HTX nông nghiệp.
Kinh tế tập thể, HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, khu vực KTTT đóng góp gần 4% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP)); vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện nay đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước).
Số lượng và chất lượng các đơn vị của khu vực KTTT, nòng cốt là HTX không ngừng được tăng lên. Tính đến hết năm 2023, cả nước có trên 31 nghìn HTX với hơn 5,8 triệu thành viên; 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác; lãi bình quân một HTX đạt 320 triệu đồng/HTX/năm (tăng 92,8% so với năm 2013); thu nhập bình quân của một người lao động thường xuyên trong HTX là 59 triệu đồng/người/năm (tăng 136% so với năm 2013).
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu đã đạt được, khu vực KTTT vẫn còn nhiều hạn chế: 1- Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, không gian, dư địa và mục tiêu, yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực kinh tế KTTT trong GDP của cả nước đang có xu hướng giảm qua các năm (từ 8,06% năm 2001; 6,65% năm 2005; 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020); 2- Năng lực sản xuất, kinh doanh của HTX còn yếu, manh mún (doanh thu bình quân của HTX năm 2023 chỉ đạt 3.536 triệu đồng/HTX/năm). Chưa có nhiều HTX thật sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa; 3- Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu vực KTTT, nhưng còn dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung; việc tổ chức triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện.
Hạn chế nói trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan: Nhân lực trong độ tuổi lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng chuyển sang các lĩnh vực khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trẻ trong sản xuất ở HTX. Thu nhập của cán bộ, thành viên chưa cao. Lương của cán bộ quản lý HTX còn thấp, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Nhiều cán bộ quản lý HTX chưa được tham gia bảo hiểm xã hội nên chưa thực sự yên tâm công tác, chưa thu hút được nhân lực có tay nghề và đã qua đào tạo về làm việc tại HTX. Nguyên nhân chủ quan: Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn hạn chế, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh; khả năng tiếp thu khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt; tư duy huy động, đầu tư nguồn lực chưa sát thực tế, chưa đúng yêu cầu và chưa phù hợp với sự phát triển của khu vực KTTT, nòng cốt là HTX; công tác tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa kịp thời, chưa có biện pháp để rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Được mùa sầu riêng (ảnh: Trần Văn Trung) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Mục tiêu, phương hướng và một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới
Mục tiêu, phương hướng
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, nền kinh tế có độ mở lớn. Hiện nay, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực KTTT. Vì vậy, khu vực KTTT cũng phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực KTTT với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Nghị quyết số 20-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về KTTT: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024) đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX theo Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể phát triển KTTT cho giai đoạn tới là: “Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị... Đến năm 2045,... bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết”.
Một số giải pháp
Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực KTTT, nòng cốt là HTX phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên”. Trong bối cảnh mới, để phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể.
Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương phát triển KTTT của Đảng, Nhà nước. Khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Phát triển KTTT là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, chiến lược, tổ chức thực hiện bao trùm, tổng quát hơn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên cùng với các khu vực kinh tế khác.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và sự đóng góp của khu vực KTTT, nòng cốt là HTX đối với sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, xây dựng các chủ đề truyền thông phù hợp để tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ năng, các vấn đề của người nông dân, thành viên HTX trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể.
Các chính sách về phát triển KTTT phải được đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, dễ tiếp cận và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn. Các chính sách về phát triển KTTT phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng, dân chủ giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho HTX tự lực vươn lên; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã năm 2023. Các văn bản hướng dẫn luật của các bộ, ngành phải được xây dựng theo hướng đổi mới toàn diện, thiết thực, hiệu quả và có tính kế thừa, có thời kỳ quá độ, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn cho HTX và các cơ quan triển khai, thực thi chính sách.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ KTTT, nòng cốt là HTX đã ban hành còn phù hợp, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; trường hợp chưa ban hành phải ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, không trông chờ, không ỷ lại. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các mô hình sáng tạo, thành công tại các địa phương trong nước và kinh nghiệm quốc tế.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đủ về số lượng, có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về KTTT, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để KTTT phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Song song với đó, nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể; tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý.
Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng, phát triển HTX trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và vì mục tiêu chung của các thành viên và của HTX. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, vượt qua thách thức, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và bao trùm.
Bốn là, nâng cao vai trò của các hội, đoàn thể, tổ chức đại diện.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nâng cao vai trò nòng cốt của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ HTX. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển KTTT và nâng cao vai trò của từng HTX, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của HTX. Phát huy hiệu quả hơn nữa các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tăng cường nguồn lực từ chính thành viên HTX, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, phát triển nhanh, bền vững.
Năm là, khơi dậy tinh thần tự lực, tự chủ, tự vươn lên của hợp tác xã.
Phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch của thành viên trong các tổ chức KTTT; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển KTTT. Thành lập HTX trên nhiều lĩnh vực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, dư địa phù hợp với tình hình thực tế của từng lĩnh vực, địa phương.
Khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, phải tự chủ động vượt qua những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Bên cạnh đó, khu vực này phải phát triển cả số lượng và chất lượng thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
LÊ MINH KHÁI
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể
Theo Tạp chí Cộng sản
Trịnh Dự - st