Tham gia khảo sát có ông Nguyễn Chí Thuần – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh; TS.Võ Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL; TS Võ Hồng Tú và TS Nguyễn Thành Trực - Khoa Phát triển nông thôn của Trường Đại học Cần Thơ.

 Là lực lượng tiên phong, đi đầu thực hiện Chương trình OCOP nên các HTX luôn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư làm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm được gắn sao OCOP. Nhằm hỗ trợ các HTX tham gia Chương trình OCOP, Liên minh HTX tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành khảo sát, thống kê những sản phẩm truyền thống, thế mạnh của các địa phương do HTX làm chủ, để hỗ trợ HTX hoàn thiện thủ tục tham gia chương trình. Các HTX không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đăng ký thương hiệu, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nhằm giúp HTX có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt được kết quả cao.

Trước tiên, Đoàn đến thăm và làm việc với HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. HTX được thành lập vào năm 2013; sau một thời gian hoạt động, được sự hỗ trợ của các ban, ngành của huyện và tỉnh, HTX phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương như: Tôm khô nguyên võ, tôm khô tách võ, bánh phồng tôm, chà bông tôm, mắm tôm, mắm cá sơn, mắm ruốc tôm, muối tôm và sản phẩm mới năm 2020 của HTX là bánh phồng hàu và bánh phồng cua… HTX có 05 sản phẩm chính là tôm khô tách võ, chà bông tôm, mắm tôm, bánh phồng tôm và muối tôm đã có bao bì, nhãn mác, truy suất nguồn gốc sản phẩm và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh từ năm 2015-2019. Khi đó, sản phẩm tôm khô chà bông được bộ công thương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm trên, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ Chính phủ, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", HTX sẽ nâng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để có thể tham gia chương trình OCOP.

(Khảo sát HTX Tân Phát Lợi, Ngọc Hiển)

Đoàn tiếp tục làm việc với HTX CB DV TM nuôi trồng thủy sản Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước. HTX Cái Bát có 127 thành viên, vốn điều lệ 750 triệu đồng với 430 ha đất nuôi thủy sản và 254 lao động. Năm 2018, sản lượng thủy sản của HTX đạt 700 tấn. HTX cũng sản xuất các mặt hàng: tôm khô, tôm chà bông, mắm tôm, bánh phồng tôm, chả cá phi, dưa bồn bồn... đa số các sản phẩm đều sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng hóa chất cũng như chất bảo quản, đáp ứng tốt cho thị trường người tiêu dùng. HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp đầu tư vốn phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm của thành viên, thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm. 

(Khảo sát HTX CB DV TM nuôi trồng thủy sản Cái Bát, huyện Cái Nước)

Chương trình OCOP khuyến khích, thúc đẩy HTX sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thị trường. Khi HTX tham gia chương trình được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí hoàn thiện, nâng cấp bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tham gia Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, hoàn thiện chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thu nhập của thành viên và người lao động trong HTX được nâng cao./.

                                                                                                                                        Theo: Mỹ Hằng