Kinh tế tập thể, HTX đã có những tiến bộ cả về lượng và chất, ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.

Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Trong thực tiễn, xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được nâng cao rõ rệt, đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hóa. Cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong HTX; 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất; trên 4.339 HTX đảm nhận bao tiêu nông sản... Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Năm 2020, doanh thu bình quân/HTX đạt 2,44 tỷ đồng/năm (gấp 5,64 lần so với năm 2001); thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm (gấp 9,1 lần so với năm 2001)... qua đó, đóng góp chung vào thành tựu phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn suốt 20 năm qua.

 Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW còn chậm, chưa quyết liệt; Nghị quyết và Luật ban hành đã lâu nên các nội dung, giải pháp và quy định chưa được cập nhật, phù hợp với tình hình mới; số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé; các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết chưa nhiều, mới đạt 24% tổng số HTX; Nghị quyết số 13 -NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2010 đưa kinh tế tập thể, HTX thoát khỏi những yếu kém, tuy nhiên đến nay mục tiêu này mới cơ bản được hoàn thành; cả nước vẫn còn 985 HTX nông nghiệp ngừng hoạt động chưa giải thể được; một số HTX tuy đã đăng ký tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 nhưng không chuyển đổi được mô hình hoạt động nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp...

Tham gia vào hợp tác xã các thành viên hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: Internet

Những chuyển biến rõ nét trong kinh tế tập thể

Tại Thừa Thiên Huế, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét, hiện có 310 HTX, 43 tổ hợp tác với trên 172.000 thành viên, tổng vốn góp của các thành viên trên 280 tỷ đồng. Trong đó HTXNN có 218 HTX với hơn 101.090 thành viên, năm 2020 doanh thu bình quân của 1 HTX là 1,94 tỷ đồng.

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, việc thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững của từng thôn, xã; tiến đến hình thành liên hiệp các HTX lâm nghiệp là hướng đi rất phù hợp. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ bà con nông dân giai đoạn 2016-2020 ngoài mục tiêu mở rộng quy mô rừng trồng gỗ lớn khu vực nông hộ, có chứng chỉ rừng tối thiểu là 5.000 ha với ít nhất 1.250 hộ nông dân và 5.000 người dân được hưởng lợi gắn với phát triển 30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững, hoạt động theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng; có doanh nghiệp đầu mối bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ lớn. Và tiến độ đến nay, tỉnh đã có 1.028 lâm hộ dân với diện tích trên 5.100 ha rừng trồng có chứng chỉ rừng; thành lập được 25/30 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững; cho thấy chiến lược đề ra của tỉnh là đúng đắn, phù hợp thực tiễn và hợp lòng dân.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có tổng số 241 HTX nông nghiệp và 56 HTX phi nông nghiệp, 1 Liên hiệp HTX, hơn 300 tổ hợp tác, 8 trang trại. Các HTX hoạt động tốt chiếm 39% và trung bình chiếm 40%. Toàn tỉnh có 131 sản phẩm OCOP, trong đó có 95 sản phẩm của HTX nông nghiệp. Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tạo ra được sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt chất lượng và an toàn khá cao, có xu hướng phát triển hợp tác liên kết bền vững.

Tại tỉnh Lào Cai, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao: Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 7,7%/năm; giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đạt 9,9%/năm, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng đạt 6,31%; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đến hết năm 2020 đạt 71,6 triệu đồng/người/năm. Số lượng HTX năm 2021 là 435 HTX (tăng 338 HTX so với năm 2001). Thu nhập bình quân đầu người của lao động trong HTX năm 2021 đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 31,4 triệu đồng so với năm 2001). Doanh thu bình quân của HTX năm 2021 đạt 773 triệu đồng/năm; lãi bình quân HTX năm 2021 đạt 93 triệu đồng/năm. Đóng góp của khu vực HTX vào tổng sản phẩm của địa phương và nền kinh tế đạt 0,15% GRDP. Vai trò lớn nhất của khu vực HTX là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên (chủ yếu khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình).

Đối với tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được triển khai thực đối đầy đủ cả về nhận thức và quan điểm phát triển kinh tế tập thể, HTX, từng bước được khẳng định và thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp huyện, xã; vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương dần được khẳng định. Hoạt động khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phát triển. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Số lượng HTX dự kiến tại thời điểm 31/12/2021 là 433 HTX (tăng 363 HTX so với thời điểm 31/12/2001). Trong đó số HTX thành lập mới 06 tháng đầu năm 2021 là 16 HTX; 04 HTX đã giải thể, chuyển đổi lĩnh vực khác.

Tuyết Trinh - st. Theo vca.org.vn