Đến dự đại diện Trung tâm dịch vụ hỗ trợ HTX, DN vừa và nhỏ tỉnh Cà Mau; đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính – Kế hoạch; Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển; lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đất Mũi và đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã Đất Mũi cùng các thành viên hợp tác xã tham dự hội nghị.

Trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, với mục đích hợp tác, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế. Hợp tác xã Phương Tính “Cầy vòi hương bãi bồi Mũi Cà Mau” được thành lập với 07 thành viên tham gia, số vốn vốn điều lệ Hợp tác xã là 200 triệu đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã là sản xuất và cung ứng Cầy vòi hương giống; sản xuất và cung ứng Cầy vòi hương thương phẩm.

Tại Hội nghị đã thông qua điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã. Các thành viên trong Hợp tác xã đã thảo luận, thống nhất các ý kiến và bỏ phiếu kín để bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban quản lý Hợp tác xã. Theo đó, ông Lê Trung Tính được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám Đốc và bà Nguyễn Bích Hạnh làm kiểm soát viên Hợp tác xã Phương Tính “Cầy vòi hương bãi bồi Mũi Cà Mau”

HTX Phương Tính “Cầy vòi hương bãi bồi Mũi Cà Mau” được thành lập trên tinh thần tự nguyện với mục tiêu là hợp tác, tương trợ lẫn nhau như: hoạt động phát triển chăn nuôi, cung ứng con giống Cầy vòi hương chất lượng; tạo việc làm cho thành viên nâng cao thu nhập, đời sống; phục vụ và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng lợi ích cho thành viên khi tham gia.

Chiến lược kinh doanh của HTX trong năm 2024: HTX sẽ chủ động tìm kiến thị trường tiêu thụ Cầy vòi hương giống và tiêu thụ Cầy vòi hương thương phẩm cho thành viên đảm bảo cạnh tranh về giá, chất lượng ổn định, phương thức thanh toán kịp thời, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, tạo sự tin cậy giũa thành viên, HTX và đối tác.

Đây là hợp tác xã chăn nuôi Cầy vòi hương thứ 02 được thành lập trên địa bàn huyện trong năm 2024, với chiến lược là tăng số lượng, chất lượng đàn Cầy vòi hương thương phẩm và tạo con giống phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác giống đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi tại địa phương. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm thu mua tại chỗ và kiểm soát từ con giống đến sản phẩm cuối cùng. Cùng với đó sẽ nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, từng bước đưa giống chồn tự nhiên vào chăn nuôi thuần chủng phù hợp với tập tính hoang dã của chúng, tạo môi trường tốt cho loài, nhằm chuyển sang hình thức chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn./.

Theo: Tuyết Trinh